Dulichbui.org – Xã Cẩm Lương – Cẩm Thuỷ – Thanh Hoá (thuộc tổng Lương Điền xưa) nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã. Dãy núi đá vôi Trường Sinh như hình chiếc võng khổng lồ chạy suốt từ Bắc đến Đông, ôm gọn Cẩm Lương vào vòng lũng núi. Dòng sông Mã trong xanh như một dải lụa mềm trải suốt phía Tây Nam.
Cẩm Lương, cách huyện lỵ 10km, cách tỉnh lỵ 80km về phía Tây, cư dân tương đối ổn định, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Đến với xã Cẩm Lương, du khách không thể không tham quan suối cá Thần Làng Ngọc. Suối cá xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um, thuộc dãy núi Trường Sinh. Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá.
Khác với những dòng suối thông thường khác, suối chỉ dài trên 150m, có một đàn cá tự nhiên với hàng ngàn con sinh sống từ bao đời nay. Nhân dân quen gọi đây là Vó cá thần hay suối cá Thần, tất cả tên gọi này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về Thần Rắn:
Xưa có 2 vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Vợ chồng hàng ngày ra thửa ruộng bên cạnh suối vừa khơi nước trồng lúa vừa xúc cá bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nước, nhưng xúc lần nào thì quả trứng lạ ấy vẫn cứ thấy nằm trong rổ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm nghe tiếng gà cục tác bà vợ ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng sợ, người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại trở về nhà. Dần dần rắn sống tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác. Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no hạnh phúc vì không còn cảnh hạn hán kéo dài. Chàng rắn sống với gia đình và làng bản trong cảnh thái bình, no ấm.
Trải qua năm tháng, chàng rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to gió cả sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết: Chàng chết vì đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và chàng đã được thượng đế phong Thần hiệu ‘Tứ Phủ Long Vương’.
Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ, có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc, cũng như quen gọi cá thần từ đó.
Ngay bên tả ngạn của Suối cá Thần, hiện nay vẫn còn lại nền móng của ngôi đền cổ, đó là đền Ngọc. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc: 2 đạo sắc thời Lê và 1 đạo sắc vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962, hiện nay chỉ còn lại nền móng.
Theo nhân dân trong vùng kể lại, đàn cá có những con nặng tới 30kg, ngày thường không chui ra khỏi hang, mà chỉ khi mùa nước lớn, người dân mới thấy cá ra nhưng rồi lại vào ngay. Nước trong suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ chỉ từ 50 – 80cm, điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Những ngày thường đàn cá ở đây rất gần gũi với người và người dân nơi đây cũng không bao giờ ăn thịt cá, có những câu chuyện người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ những ngày tế lễ “Tứ phủ Long Vương” thì dân làng xin thần được thả xúc, con nào tự chui vào xúc có nghĩa là con cá ấy tự dâng mình cho thần thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này đã có từ xưa, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.
Từ đầu nguồn suối Ngọc leo lên dãy núi Trường Sinh, đường đi gấp khúc theo hình bậc đá, dễ dàng cho du khách tham quan danh thắng. Trên đường, du khách vừa đi vừa gạt lá để mở đường, hai bên đường là những loại cây của khu rừng già, nhiều tầng cây rợp bóng, khó có thể thống kê hết. Các loại cây đang tồn tại ở dãy núi Trường Sinh là những cây đền (họ tre) to cao, lóng dài dân vùng lấy về làm hông đồ xôi, có những cây đăng (họ sồi) cao chọc trời, thân hàng mấy người ôm.
Từ chân núi đi lên khoảng 200m, là gặp cửa động Đăng rộng mở đón du khách. Vòm cửa động cao 7m, rộng 8m, lối vào cửa thoáng rộng dễ đi. Bước vào cửa động du khách sẽ gặp một bước bức tranh bồng lai tự nhiên đập vào mắt, những suối thạch nhũ nhiều mầu từ vách động, vòm động rũ xuống. Thạch nhũ ở đây có lẫn những tinh thể của cát, của các loại khoáng chất, cho nên phát sáng giống như những khối kim cương khổng lồ ôm lấy vòm động. Động Đăng cao ráo rộng rãi, sạch sẽ.
Những mảng thạch nhũ kỳ lạ lát kín vách động và vòm hang, do thạch nhũ tự nhiên cấu trúc có hình thể kỳ lạ, du khách giầu trí tưởng tượng, hẳn sẽ xây dựng được những huyền tích thú vị theo mỗi bước chân.
Đã từ lâu, nhân dân địa phương đặt tên cho những cột thạch nhũ tiêu biểu nhưng rất giống với những hình thể sự thật cốt truyện. Tượng “Hạnh phúc” là cột nhũ như đôi trai gái đang đứng ôm hôn nhau thắm thiết, suối tóc cô gái để dài xuống lưng và tràn xuống gót; Tượng nhũ “Mẹ con” giống hệt một người mẹ trẻ tràn đầy sinh lực đang cõng một đứa con mập mạp; Kho lúa, từng tảng nhũ như những bó lúa chảy tràn tầng tầng lớp lớp từ vòm động đến các vách hang; Nhũ búa trời như một quả phật thủ nặng ngàn cân treo lơ lửng trên vòm động như sẵn sàng thực hiện công lý của trời đất … Những cảnh kỳ ảo trong lòng động không ai có thể tả hết. Từ động Đăng đến động Đắng có những bức tranh toàn mỹ bằng chất liệu nhũ đá cuốn hút lòng người.
Những năm gần đây, môi trường tự nhiên đã và đang bị con người tàn phá làm ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các loài động, thực vật. Thế mà làng Ngọc vẫn còn một suối cá tự nhiên độc nhất vô nhị của đất nước. Điều đó càng minh chứng cho ý thức trách nhiệm của người dân nơi đây, cũng như các ngành hữu quan để suối cá thần Cẩm Lương trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong cả nước về sự độc đáo và nguyên sơ của nó.
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa
Leave a Reply