Dulichbui.org – Từ khi thuật ngữ “du lịch bụi” được xuất hiện đã có không ít những ý kiến trái chiều về tên gọi cũng như khái niệm liên quan đến loại hình du lịch này. Vậy Du lịch bụi là gì? Loại hình du lịch này có từ khi nào?
Du lịch bụi là gì?
Du lịch bụi hay tạm hiểu là du lịch ba lô (backpacking) là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ một loại hình du lịch với chi phí thấp của một hoặc vài cá nhân đơn lẻ.
Lịch sử tên gọi
Trái ngược với những nhận định trong thập niên 1970 khi du khách ba lô được gắn với từ “drifters” (những người không có chủ đích) – gợi lên hình ảnh tiêu cực, tệ nạn… du lịch ba lô ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của du lịch thế giới. Nói như tác giả Keeley,P trong The Backpacker Market in Britain (2001) thì: du lịch ba lô đã được công như một thị trường quan trọng và đang phát triển.
Chính từ sự chuyển đổi này đã dẫn đến sự thay đổi trong nghiên cứu nhằm đưa ra một định nghĩa chính xác, sự phân loại cụ thể…về du lịch ba lô cũng như xu hướng phát triển của nó.
Người đặt nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu du lịch ba lô trên thế giới là giáo sư Eric Cohen một nhà xã hội học với công trình chuyên đề về “drifters” (1970), trong tác phẩm này giáo sư Eric Cohen đã đưa ra khái niệm “drifter” để chỉ những người đi du lịch và khám phá bằng cách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, lưu trú bất cứ đâu mà họ tìm thấy, khác với hình thức du lịch truyền thống lúc bấy giờ.
Trong tác phẩm “Road culture of international long-term budget travellers” (1988) của Riley, P.J tác giả đã dùng cụm từ “long-term budget travellers” để chỉ những du khách đi du lịch độc lập với một lịch trình linh hoạt,…
Đến những năm 1990, thuật ngữ “backpacker” (du khách ba lô) bắt đầu được sử dụng. Tại thời điểm này một loạt các công trình nghiên cứu về du lịch ba lô đã xuất hiện, các nghiên cứu tập trung phân tích sự phát triển của du lịch ba lô, tâm lý của du khách ba lô và những tác động của nó với môi trường và xã hội. Định nghĩa về du lịch ba lô cũng xuất hiện trong các nghiên cứu này.
Đầu thế kỷ 21, số lượng các nghiên cứu về du lịch ba lô ngày càng nhiều, góp phần đưa ra một cái nhìn tổng quan về du lịch ba lô một cách cụ thể hơn, chính xác hơn. Một số đề tài nghiên cứu trong giai đoạn này có thể kể đến là: “The Global Nomad: Backpacker Travel in Theory and Practice” của Greg Richards và Julie Wilson (2004), “Backpacking Tourism Morally Sound Travel or Neo-Colonial” (2006) của tác giả Lauren Gula, “Backpacker Tourism” (2006) của giáo sư Mike Robison (Trường Đại học Leeds Metropolitan, Leed, Anh Quốc) và Tiến sĩ Alison Phipps (Đại học Glasgow, Scotland), Backpacker Tourism and The Third World Development” (2001) của Regina Scheyvens…
Năm 2001, trong cuộc thảo luận giữa các đại biểu tham gia hội nghị Châu Á Thái Bình Dương của ATLAS (Association for Tourism and Leisure Education) tại Hải Nam, Trung Quốc, The Backpacker Research Group đã được thành lập với sự tham gia của 35 nhà nghiên cứu đến từ 9 quốc gia. The Backpacker Research Group ra đời nhằm nghiên cứu, biên soạn những tài liệu về du lịch ba lô cũng như những nghiên cứu sự phát triển của du lịch ba lô trên thế giới.
Xuất phát từ kết quả của các công trình nghiên cứu, xuất phát từ tình hình phát triển của du lịch ba lô thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã vạch ra các chiến lược phát triển du lịch ba lô tại đất nước mình như: Australia, New Zealand, Nam Phi,… (Trang 101, Tourism Market Trends, 2005 Edition – World Overview & Tourism Topics: Backpacker tourism).
Du lịch bụi có từ khi nào
Xét về góc độ lịch sử, Giovanni Francesco Gemelli Careri Careri (1651-1725) được xem là người khai sinh ra loại hình du lịch ba lô.
Sinh ra ở vùng Radicena, (ngày nay là Taurianova) Calabria, Italia vào năm 1651, Giovan Francesco Gemelli Careri là một quan tòa làm việc tại tòa án Naples. Tuy nhiên ông đã không thành công trong công việc của mình.
Năm 1685, ông đã đi du lịch Châu Âu. Một năm sau, ông trở lại quê hương và tiếp tục làm công việc của một vị quan tòa. Tuy nhiên ông không thỏa mãn với cuộc sống của mình, ông luôn muốn thấy được nhiều thứ mới mẻ. Đó cũng là lý do vào năm 1693, ông bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới kéo dài trong 5 năm.
Sau khi kết thúc chuyến hành trình, ông đã viết sách về chuyến hành trình của mình. Cuốn sách đó đã được tái bản năm lần ở Italia và được dịch thành nhiều thứ tiếng.
Trong tác phẩm ‘‘Around the World in 80 Days’’ tác giả Jule Vernes cũng đã giới thiệu về chuyến hành rình của Giovan Francesco Gemelli Careri.
Tuy nhiên sau chuyến hành trình của Giovan Francesco Gemelli Careri, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà loại hình du lịch ba lô vẫn chưa được trở nên phổ biến trên thế giới. Mãi đến những năm 60 và 70 của thế kỷ 20
Nhiều người cho rằng nguồn gốc của du lịch ba lô xuất phát từ phong trào Hipie trail của những năm 60 và 70 thế kỷ 20, khi một nhóm hippies (những thanh niên lập dị chống lại những quy ước của xã hội – bắt đầu ở Mỹ sau đó lan rộng khắp trên thế giới) đã thực hiện một chuyến hành trình đi từ Châu Âu sang Đông Á bằng đường bộ. Họ đã đi theo chặng hành trình của Con đường tơ lụa trong quá khứ.
Phong trào Hipie trail đã ảnh hưởng mạnh đến nhiều người trong đó đặc biệt là giới trẻ. Họ muốn đi khám phá những vùng đất mới, những vùng đất mà trước đó họ chỉ biết qua sách vở.
Đầu thập niên 1970, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Tony và Maureen Wheeler thực hiện một chuyến du lịch kéo dài hơn một năm từ London (Anh), rong ruổi khắp châu Á và cuối cùng là Australia, sau chuyến đi họ đã viết một cuốn sách đầu tiên mang tên “Across Asia on the Cheap” xuất bản năm 1973, dựa trên những kinh nghiệm du lịch của chính họ và nó đã bất ngờ trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Sydney: hơn 8.000 bản với giá mỗi quyển là 1,80 USD.
Điều này đã thôi thúc đôi vợ chồng trẻ cho ra đời quyển sách thứ hai “South-East Asia on a Shoestring” (viết tại Singapore). “South-East Asia on a Shoestring” nhanh chóng trở thành cẩm nang cho dân du lịch khắp thế giới và là một trong những guide book (sách hướng dẫn du lịch) bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản.
Hiện Lonely Planet là nhà xuất bản tư nhân chuyên về du lịch lớn nhất thế giới với hơn 54 triệu bản phát hành và 600 ấn phẩm bằng 17 thứ tiếng, có doanh thu hàng năm hơn 85 triệu USD. Công ty có 400 nhân viên đang làm việc tại các văn phòng ở Melbourne, Oakland, London và Paris.
Sự ra đời của Lonely Planet đã góp phần thúc đẩy loại hình du lịch ba lô phát triển lên một bước nữa. Cũng từ đây nhiều nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch khác đã ra đời như Rough Guides, Let’s Go…
Trích nguyentunglam.com
Leave a Reply