Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh An Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang; phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang.
Mã vùng điện thoại: 710
Biển số xe: 65
Tổ chức hành chính: Cần Thơ được chia làm 9 đơn vị hành chính gồm 5 quận ( Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện ( Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai).
Khí hậu:
Cần Thơ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới – gió mùa với 2 mùa rõ ràng: mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (tháng 12 đến tháng 4). Khí hậu điều hoà dễ chịu, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau.Nhiệt độ trung bình năm khoảng 28ºC, số giờ nắng trung bình cả năm : 2.249,2h.
Lượng mưa trung bình năm: 1600 mm (năm 2000 khoảng 1.911, năm 2004 khoảng 1.416mm). Độ ẩm trung bình năm: 82% – 87% (thay đổi theo các năm).Gió có 2 hướng chính: Hướng Đông Bắc: từ tháng 12 đến tháng 4 (mùa khô ). Hướng Tây Nam: từ tháng 5 đến tháng 10 (mùa mưa), Tốc độ gió bình quân 1,8 m/s. Ít bão nhưng thường có giông, lốc vào mùa mưa.
Diện tích: 1.409,0 km²
Dân số: 1.200.300 người. Mật độ: 852 người/km² (2011- Tổng cục Thống kê Việt Nam).
Dân tộc: Việt, Hoa, Chăm, Khmer
Tên gọi:
Tên gọi Cần Thơ đến nay vẫn chưa có cách giải thích rõ ràng, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong quyển sách sưu khảo “Cần Thơ xưa và nay” xuất bản năm 1966 có đề cập đến 2 cách giải thích như sau:
• Quan điểm 1:
Ngày xưa, khi chưa lên ngôi vua, Chúa Nguyễn Ánh vào Nam và đã đi qua nhiều vùng châu thổ sông Cửu Long. Một hôm, đoàn thuyền của Chúa đi theo sông Hậu vào địa phận thủ sở Trấn Giang (Cần Thơ xưa). Đêm vừa xuống, thì đoàn thuyền cũng vừa đến Vàm sông Cần Thơ (bến Ninh Kiều ngày nay).
Đoàn thuyền đang lênh đênh trên mặt nước ở ngã ba sông này, Chúa nhìn vào phía trong thấy nhiều thuyền bè đậu dài theo hai bờ sông, đèn đóm chiếu sáng lập loè. Giữa đêm trường canh vắng, vọng lại nhiều tiếng ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hoà nhau nhịp nhàng.
Chúa thầm khen về một cảnh quan sông nước hữu tình. Chúa mới có cảm nghĩ ban cho con sông này một cái tên đầy thơ mộng là Cầm thi giang tức là con sông của thi ca đàn hát. Dần dần 2 tiếng Cầm thi được lan rộng trong dân chúng và nhiều người nói trại ra là Cần Thơ. Tên Cần Thơ nghe thấy hay và đẹp nên được người trong vùng chấp nhận và cùng gọi là sông Cần Thơ.
• Quan điểm 2:
Sông Cần Thơ ngày xưa ở hai bên bờ, dân chúng trồng rất nhiều rau cần và rau thơm. Ghe thuyền chở nhiều loại rau cần, rau thơm qua lại rao bán đông vui từ năm này qua năm khác. Vì vậy từ xa xưa, còn truyền lại những câu ca dao:
– “Rau cần, rau thơm xanh mướt,
mua mau kẻo hết chậm bước không còn”.
– “Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều”
Cũng có thể từ đó mà người địa phương lại gọi sông này là sông Cần Thơm, nói trại là Cần Thơ.
• Quan điểm 3:
Ngoài 2 quan điểm nêu trên thường được nhắc đến, còn một quan điểm khác cùng nhằm giải thích cho danh xưng Cần Thơ. Cái tên “Cần Thơ” xuất hiện đầu tiên dùng để chỉ con rạch có nhiều cá “Kìn Tho”, loại cá sặc rằn có nhiều ở vùng nầy, được dùng làm khô tới nay vẫn còn nhiều người mình ưa chuộng. Người Lục Tỉnh có thói quen gọi tên sông rạch bằng loại thực sinh vật có nhiều dưới sông.
Như rạch Bần, rạch Gốc, rạch Bùn, rạch Cát, rạch Cá Tra, rạch Cá Sấu, rạch Cá Chốt, rạch Cá Trê. v.v… Và con rạch có nhiều cá “kìn tho” được gọi là rạch “Kìn Tho”. “Kìn Tho” là tiếng Khmer, người Khmer đọc âm “kìn” trong cổ họng nghe như “ân”. Thuở đó người Việt Nam có thói quen đọc âm “ân” là “in” như nhin sâm/ nhân sâm, tiểu nhin/tiểu nhân, nhân nghĩa/nhin ngãi…
Do vậy “kìn tho” được người Việt Nam địa phương đọc trại thành Cần Thơ, và con rạch có nhiều cá “ kìn tho” được người mình gọi là rạch Cần Thơ. (Lê Trung Hoa – Ðịa Danh Nam Bộ).Không biết đâu là cách lý giải chính xác nhất,nhưng dù nói thế nào đi nữa, thì từ xa xưa, người dân địa phương đã gọi dòng sông quê hương mình là sông Cần Thơ.Đến năm 1876, khi Pháp lấy huyện Phong Phú, lập ra hạt mới thì đã dùng tên sông Cần Thơ để đặt tên cho hạt Cần Thơ rồi sau đó là tỉnh Cần Thơ.
Lịch sử:
Năm 1793, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Cùng với những thằng trầm của lịch sử dân tộc, vùng đất Trấn Giang – Cần Thơ đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính.
Trấn Giang – những ngày đầu thành lập (1739-1787)
Trong tiến trình khai khẩn vùng đất phương Nam của ông cha ta, Cần Thơ được khai phá muộn hơn so với miền trên (Đồng Nai – Sài Gòn) và miền dưới (Hà Tiên).Cuối thế kỷ XVII, Mạc Cửu – người Quảng Lôi, Quảng Đông (Trung Quốc) – không thần phục nhà Thành cùng nhiều đoàn tùy tùng và dân cư theo đường biển kéo vào Hà Tiên cư trú dưới sự cai quản của chúa Nguyễn.
Tháng 8 năm Mậu Tý (năm 1708), chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Mạc Cửu lập đồn dinh ở Phương Thành, nhân dân quỵ tụ ngày càng đông. Năm 1732, toàn bộ đất phương Nam được chúa Nguyễn phân định thành 3 dinh và 01 trấn, đó là dinh Trấn Biên (vùng Biên Hòa), dinh Phiên Trấn (vùng Gia Định), dinh Long Hồ (vùng Vĩnh Long) và trấn Hà Tiên.
Năm 1735, Tổng trấn Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tích (trước đó có tên là Mạc Thiên Tứ) được phòng làm Tổng trấn nối nghiệp cha. Từ Hà Tiên, ông đẩy mạnh công cuộc khai mở về vùng đất thuộc hữu ngan sông Hậu. Năm 1739, ông đã hoàn thành việc khai mở này và lập thêm 4 vùng đất mới bao gồm: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (bắc Bạc Liêu) để sát nhập vào đất Hà Tiên.
Người xưa đi mở đất
Nhận thấy Trấn Giang có vị trí chiến lược để làm hậu cứ vững chắc cho Hà Tiên nhằm chống lại quân Xiêm và quân Chân Lạp thường xuyên xâm lấn và quấy phá, Tổng trấn Mạc Thiên Tích đã xây dựng đất Trấn Giang trên mọi lĩnh vực quân sự, kinh tế, thương mại và văn hóa.
Chính đại thần Nguyễn Cư Trinh được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát phái vào Nam từ năm 1753 sau khi gặp Tổng trấn Mạc Thiên Tích cũng rất đồng tình với mưu lược của ông. Từ đó, Trấn Giang càng phát triển và trở thành “thú sở” mạnh ở miền Hậu Giang.
Không chỉ là đồn thủ ở một địa điểm thủy lộ xung yếu, thủ sở Trấn Giang – nằm ở bờ tây sông Cần Thơ – còn là nơi tập hợp người tứ phương về khai phá lập nghiệp.Do có vị trí xung yếu, nên từ năm 1771 đến năm 1787, Trấn Giang phát triển trong bối cảnh lịch sử đầy xáo động.Sau khi chiếm kinh thành Phú Xuân (năm 1774), tháng 3 năm Đinh Dậu (năm 1777), quân Tây Sơn đánh chiếm Gia Định.
Tháng 4 cùng năm, xa giá chúa Nguyễn chạy xuống Trấn Giang đạo. Đến tháng 8 năm 1777, quân Tây Sơn kéo xuống miền Tây và Trấn Giang. Tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ thân chinh chỉ huy quân Tây Sơn đánh tan 20 nghìn quân và 300 chiến thuyền của quân Xiêm, làm nên chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang) vang dội. Năm 1787, quân Tây Sơn rút khỏi các dinh trấn ở miền Tây, vì thế quân Nguyễn Ánh mới thu lại được các vùng này, trong đó có Trấn Giang.
Trấn Giang từ năm 1788 đến khi thực dân Pháp xâm lược
Năm Quý Hợi (năm 1803), vua Gia Long phân định lại dư đồ vùng miền Tây sông Hậu, đổi tên dinh Long Hồ thành dinh Hoằng Trấn, sau đổi lại là Vĩnh Trấn.
Đến năm Mậu Thìn (năm 1808), vùng đất này có tên gọi mới là trấn Vĩnh Thanh, trong đó Trấn Giang nằm trong địa giới trấn Vĩnh Thanh. Đến năm Quý Dậu (năm 1813), vua Gia Long cặt một vùng đất vùng hữu ngạn sông Hậu, trong đó có Trấn Giang – Cần Thơ xưa để lập huyện Vĩnh Định (trực thuộc phủ Định Viên, trấn Vĩnh Thanh).
Năm Nhầm Thìn (năm 1832), vua Minh Mạng ban chiếu dụ đổi “trấn” thành “tỉnh” và hình thành nên Nam Kỳ lục tỉnh. Vua Minh Mạng đã tách huyện Vĩnh Định (Cần Thơ xưa) ra khỏi phủ Định Viễn (tỉnh Vĩnh Long) và ho trực thuộc phủ Tân Thành (tỉnh An Giang).
Năm Kỷ Hợi (năm 1839), vua Minh Mạng đổi tên huyện Vĩnh Định thành huyện Phong Phú, trực thuộc phủ Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và lấy làng Tây An làm huyện trị của huyện Phong Phú. Từ đó, huyện Phong Phú tiếp tục phát triển và nổi tiếng là vùng đất thịnh trị khác hẳn mọi vùng ở miền Tây bấy giờ.
Làng Tây An, Thới Bình đã được hình thành sớm trên vùng đất này. Trong đó, ở làng Bình Thủy, do có sông nước hiền hòa và phẳng lặng nên dân cư đến lập nghiệp sớm, nhanh chóng phát triển và trở thành đất gốc của người dân Cần Thơ. Về sau, dưới bàn tay xây đắp của con người, cảnh trí trở nen thi vị hơn và văn vật hơn, nên hậu thế đặt tên cho vùng đất Bình Thủy là Long Tuyền.
ở Trấn Giang, đường sông là mạch máu giao thông chính, ghe xuồng trở nên quan trọng đến mức thiết yếu. Làng xã được hình thành trên các giồng đất trải dài theo sông, rạch (về sau là kinh đào). Chợ búa đều hình thành trên bến sông, rạch, kinh đào. Những khúc sông thuận lợi, giáp nước, cửa vàm, ngã ba, ngã tư trở thành tụ điểm giao thương, thị tứ, trung tâm thương mại – văn hoá của một vùng. Như vậy, các chợ, thị tứ nằm sâu trong đất liền, xa sông chỉ xuất hiện sau khi đường bộ đã phát triển, xe cộ trở thành phương tiện đi lại phổ biến.
Đặc điểm này có thể đã hình thành từ cuối thế kỷ XVIII ở vùng Bình Thuỷ – Cần Thơ và liên lập với các tụ điểm khác trải dài trên vùng đất trung lưu và hạ lưu sông Hậu. Đến đầu thế kỷ XIX, trong “Gia Định thành thông chí” đã nhắc đến những trung tâm mua bán như trung tâm bờ phía tây thủ sở đạo Trấn Giang (trên sông Cần Thơ); trung tâm ở sông Trà Ôn (thuộc tổng Bình Chánh) và trung tâm Trường tàu Ba Thắc (hạ lưu sông Hậu) tương xứng với trung tâm mua bán ở hữu ngạn sông Tiền là Sa Đéc, Long Hồ.
Đây là đặc điểm nổi bật nhất mà các nhà nghiên cứu định danh là “văn minh sông rạch” và ở mức độ cao hơn là các chợ nổi ở các giao lộ đường thuỷ như Trà Ôn, Phong Điền, Cái Răng sau này.Có thể nói, đây là thời kỳ Trấn Giang – Cần Thơ bước vào giai đoạn xây dựng hoà bình và ngày càng được củng cố hệ thống hành chính – cai trị. Theo đó, ý thức hệ Nho giáo cùng với những chế định về văn hoá – giáo dục, những chuẩn tắc về đạo đức và chuẩn mực ứng xử ngày càng phát triển.
Cộng đồng dân cư ở Trấn Giang, bao gồm: một bộ phận là binh lính và gia đình của quân binh Hà Tiên, Rạch Giá và một bộ phận là những lưu dân từ miền ngoài vào, từ miền Đông xuống. Vì thế, những dấu vết văn hoá truyền thống từ miền ngoài còn được lưu giữ trong tập tục thờ cúng của nhiều địa phương trong vùng.
Cần Thơ trong giai đoạn giành độc lập, xây dựng và phát triển
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội ở Nam Kỳ lục tỉnh. Thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông theo hoà ước nhượng bộ của triều đình Huế năm 1862. Ngày 20, 22 và 24 tháng 6-1867, thực dân Pháp đã vi phạm hoà ước 1862, chiếm 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Ngày 1-1-1868, Thống đốc Nam Kỳ Bonard quyết định sáp nhập huyện Phong Phú (Trấn Giang – Cần Thơ) với Bãi Sào (Sóc Trăng) đặt thành quận, lập toà bố tại Sa Đéc.Ngày 30-4-1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập Phong Phú với Bắc Tràng (một vùng thuộc phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long) lập thành một hạt, đặt toà bố tại Trà Ôn. Một năm sau, toà bố Trà Ôn lại dời về Cái Răng (Cần Thơ).
Ngày 23-2-1876, Soái phủ Sài Gòn ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ (arrondissement de Cantho) với thủ phủ là Cần Thơ (làng Tân An, huyện trị của huyện Phong Phú cũ). Năm 1889, Pháp đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi thành quận.
Từ năm 1876 đến năm 1954, địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ thời Pháp thuộc vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chính quyền kháng chiến có điều chỉnh một phần địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ. Trong đó, Cần Thơ nhận thêm huyện Thốt Nốt (tỉnh Long Xuyên), các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá (tỉnh Rạch Giá) và huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và giao 02 huyện Trà Ôn và Cầu Kè về tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long – Trà Vinh).
Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, đế quốc Mỹ đã biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Từ đó, địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ trong chế độ cũ ở miền Nam có nhiều thay đổi. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm quyết định đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Năm 1961, tách một vùng đất ở Long Mỹ, Vị Thanh lập thành tỉnh Chương Thiện. Sau đó, các quận, các tống, xã trong tỉnh Phong Dinh và tỉnh Chương Thiện đều phân chia lại.
Về phía chính quyền cách mạng, tên gọi Cần Thơ vẫn được duy trì. Địa giới hành chính có thay đổi một phần. Tháng 11-1954, Long Mỹ và các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá đưa trở lại tỉnh Rạch Giá. Huyện Kế Sách về tỉnh Sóc Trăng. Huyện Thốt Nốt về tỉnh Long Xuyên. Cần Thơ nhận lại 02 huyện Trà Ôn và Cầu Kè như cũ. Năm 1956, hai huyện Trà Ôn và Cầu Kè đưa về Vĩnh Long (trong thời điểm Mỹ nguỵ lập ra tỉnh mới “Tam Cần”). Năm 1957, huyện Long Mỹ chuyển trở lại tỉnh Cần Thơ. Năm 1958, huyện Kế Sách (thuộc tỉnh Sóc Trăng) cũng chuyển về tỉnh Cần Thơ.
Năm 1963, huyện Thốt Nốt (tỉnh Long Xuyên) đưa về tỉnh Cần Thơ. Năm 1966, hình thành thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1969, tách thị xã Cần Thơ khỏi tỉnh Cần Thơ trực thuộc khu Tây Nam Bộ. Năm 1971, thị xã Cần Thơ trở lại thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1972, thị xã Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ, trực thuộc khu Tây Nam Bộ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24-3-1976 sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để lập tỉnh mới với tên gọi Hậu Giang, tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ.Đến tháng 12-1991, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) ra Nghị quyết tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
Đến ngày 1-1-2004, tỉnh Cần Thơ tách ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Kể từ đó, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương. Đảm đương trọng trách thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ đang ra sức phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng về kinh tế, thương mại, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực cùng truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo để vươn lên đổi mới, xứng đáng với vị thế thành phố động lực, “đầu tàu” phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Leave a Reply