Tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng. Phía bắc giáp hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, đường ranh giới là dãy núi Tam Đảo, Phía tây giáp tỉnh Phú Thọ, Phía nam và phía Đông giáp Hà Nội.
Mã vùng điện thoại: 0211
Biển số xe: 88
Tổ chức hành chính: Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Vĩnh Yên), 1 thị xã (Thị xã Phúc Yên) và 7 huyện (Huyện Bình Xuyên, Huyện Lập Thạch, Huyện Sông Lô, Huyện Tam Dương, Huyện Tam Đảo, Huyện Vĩnh Tường, Huyện Yên Lạc).
Khí hậu
Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đầy đủ các đặc điểm khí hậu của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Nhiệt độ trung bình năm là 23,5 – 25o C, nhiệt độ cao nhất là 38,5 0C, nhiệt độ thấp nhất là 20C. Tuy nhiên do ảnh hưởng của yếu tố địa hình nên có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ giữa vùng núi và vùng đồng bằng. Vùng Tam Đảo, ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển có nhiệt độ trung bình năm là 18,40C.
Lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.400 đến 1.600 mm, trong đó, lượng mưa bình quân cả năm của vùng đồng bằng và trung du tại trạm Vĩnh Yên là 1.323,8 mm, vùng núi tại trạm Tam Đảo là 2.140 mm. Lượng mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.
Diện tích: 1.236,5 km²
Dân số: Dân số tỉnh Vĩnh Phúc năm 2011 là 1.014.600 người. Mật độ: 821 người/km².
Thành phần dân tộc: Việt, Sán Dìu, Sán Chay, Tày
Lịch sử
Năm 257- 110 TCN, địa bàn Vĩnh Phúc nằm trong nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Tên gọi vùng đất này theo thổ âm có thể là ” M’ rinh hay M’ Linh, sau này được phiên âm thành Mê Linh hay Mi Linh”.
Từ năm 111 TCN, nhà Hán xâm chiếm nước ta, chia làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Khi đó, dưới quận là huyện, và Vĩnh Phúc bấy giờ (cho tới năm 243 SCN ) nằm trong huyện Mê Linh.
Đến thế kỷ thứ III, Vĩnh Phúc bị xé lẻ và nằm trong 2 huyện Gia Ninh và Mê Linh (thuộc quận Tân Xương). Tới thế kỷ VI (thời nhà Tuỳ),Vĩnh Phúc nằm trong địa phận 2 huyện Gia Ninh và Tân Xương…
Từ đó đến thế kỷ XIII,Vĩnh Phúc trải qua nhiều biến động. Từ thế kỷ XIII – XIV, nhà Trần vẫn chia nước thành các lộ; đến nhà Hồ lại đổi lộ thành trấn. Dưới lộ (hay trấn) là các phủ, dưới châu là huyện, dưới huyện là các xã. Lúc này, các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (thời Trần Mạt ), nằm trong ba trấn và lộ sau:
+ Lộ Đông Đô: Châu Tam Đới (Vĩnh Tường) có huyện Yên Lạc, huyện Yên Lãng và huyện Lập Thạch.
+ Lộ Bắc Giang: Châu Bắc Giang có huyện Tân Phúc, châu Vũ Ninh có huyện Đông Ngàn (gồm huyện Kim Anh, huyện Từ Sơn).
+ Trấn Tuyên Quang có huyện Dương. Cho tới cuối đời thời Hậu Lê đầu nhà Nguyễn (đầu thế kỉ XIX ) vùng đất Vĩnh Phúc lại nằm trong các trấn sau:
+ Trấn Kinh Bắc: Phủ Từ Sơn có huyện Đông Ngàn, phủ Bắc Hà có huyện Tân Phúc, huyện Kim Hoa.
+ Trấn Sơn Tây: Phủ Tam Đới gồm các huyện Bạc Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng; Phủ Đoan Hùng có huyện Dương.
+ Trấn Thái Nguyên: Phủ Phú Bình có huyện Bình Tuyền.
Dưới triều Nguyễn (thế kỉ XIX), vua Minh Mệnh đổi trấn thành tỉnh, phạm vi Vĩnh Phúc lại nằm vào 3 tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Đến cuối thế kỉ XIX, nhằm thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp tiếp tục chia cắt và xáo lộn các huyện, các xã ở Bắc Kỳ để thành lập các trung tâm cai trị mới.Theo đó, các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên bị cắt xén bớt đi, các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên lần lượt ra đời:
– Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29/12/1890. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử có những biến động nên mãi tới năm 1899, toàn quyền Pháp ở Đông Dương mới ban hành quyết định chính thức thành lập tỉnh Vĩnh Yên. Tuy vậy, qua nhiều lần xáo trộn, cuối cùng ngày 6/ 10/ 1901, tỉnh Vĩnh Yên mới ổn định với một phủ là Vĩnh Tường và 4 huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên.
– Ngày 6/10/1901, Pháp thành lập tỉnh Phù Lỗ gồm phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh và một phần huyện Đông Khê (cắt từ tỉnh Bắc Ninh ra), hợp với huyện Yên Lãng (tách từ tỉnh Vĩnh Yên ra), tỉnh lỵ đặt ở làng Phù Lỗ huyện Kim Anh.
Ngày 10/12/1903, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên.
Ngày 7/3/1913, tỉnh Phúc Yên đổi làm đại lý Phúc Yên, lệ thuộc tỉnh Vĩnh Yên.
Ngày 31/3/1923, Thống sứ Bắc Kỳ lại ra Nghị định lập lại tỉnh Phúc Yên, gồm hai phủ (Đa Phúc, Yên Lãng) và hai huyện (Kim Anh – Đông Anh) – Đây là tỉnh nhỏ nhất xứ Bắc Kỳ lúc bấy giờ .
* Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950, trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên.
Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29/12/1899. Địa bàn của tỉnh bao gồm huyện Bình Xuyên tách từ phủ Phú Bình tỉnh Thái Nguyên, toàn bộ phủ Vĩnh Tường gồm 5 huyện là Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc và phủ Yên Lãng tách từ tỉnh Sơn Tây. Năm 1901 phủ Yên Lãng tách khỏi tỉnh Vĩnh Yên nhập vào tỉnh Phù Lỗ.
Tỉnh Phúc Yên được thành lập ngày 06/10/1901 lúc đầu mang tên Phù Lỗ. Địa bàn tỉnh gồm 3 huyện cắt từ tỉnh Bắc Ninh sang là huyện Kim Anh, huyện Đông Khê (năm 1903 huyện Đông Khê đổi thành Đông Anh) và huyện Đa Phúc. Từ ngày 18/02/1904 tỉnh lỵ dời từ làng Phù Lỗ lên Tháp Miếu tổng Bach Trữ, Phúc Yên, từ đó tên tỉnh đổi tên từ Phù Lỗ sang tỉnh Phúc Yên.
Tháng 2/1950 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phúc. Khi hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.715km2, dân cố 47 vạn người.
Từ khi tỉnh Vĩnh Phúc thành lập đến nay có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính:
– Năm 1955 huyện Phổ Yên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên nhập vào Vĩnh Phúc, đến năm 1957 lại trở lại tỉnh Thái Nguyên.
– Tháng 6/1957 thị trấn Bạch Hạc và tháng 7/1977 hai thôn Mộ Chu Hạ và Lang Đài của xã Bồ Sao huyện Vĩnh Tường chuyển về thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ.
– Tháng 6/1961 huyện Đông Anh, xã Kim Chung, huyện Yên Lãng, thôn Đoài xã Phù Lỗ huyện Kim Anh tách khỏi Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
– Tháng 2/1968 tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.
Trong thời gian là tỉnh Vĩnh Phú, tháng 10/1977 các huyện trong tỉnh hợp nhất thành huyện lớn. Trên phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc cũ, huyện Kim Anh và Đa Phúc hợp nhất thành huyện Sóc Sơn. Huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc hợp nhất thành huyện Vĩnh Lạc. Huyện Tam Dương và Lập Thạch hợp nhất thành huyện Tam Đảo. Huyện Yên Lãng và Bình Xuyên hợp nhất thành huyện Mê Linh (trong đó có cả Phúc Yên).
Tháng 12/1978 huyện Lập Thạch tách khỏi Tam Dương trở về huyện cũ Lập Thạch; huyện Bình Xuyên tách khỏi Mê Linh và nhập với Tam Dương thành lập huyện Tam Đảo mới.
Tháng 3/1979 hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh chuyển về Hà Nội; tháng 10/1991 huyện Mê Linh lại tách khỏi Hà Nội trở về Vĩnh Phú.
Ngày 01/01/1996 huyện Vĩnh Lạc tách thành 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.
Tháng 11/1996 Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ X đã ra Nghị định tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Thực hiện Nghị quyết trên, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ 01/01/1997.
Tháng 9/1998 huyện Tam Đảo tách thánh 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên. Ngày 09/12/2003 Chính phủ ra Nghị định số 153/2003/NĐ-CP thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo mới.
Ngày 01/12/2006 Chính phủ ra Nghị định số 146/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Leave a Reply