Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) nằm trong Vùng duyên hải Bắc Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ thuộc biển Đông và đảo Hải Nam – cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 70 km.
Khoảng cách: Thành Phố cách thủ đô Hà Nội 102 km về phía Đông Đông Bắc.
Mã vùng điện thoại: 031
Biển số xe: 15, 16
Tổ chức hành chính: Thành phố Hải Phòng gồm 7 quận nội thành (Quận Dương Kinh, Quận Lê Chân, Quận Ngô Quyền, Quận Hồng Bàng, Quận Kiến An, Quận Hải An, Quận Đồ Sơn), 6 huyện ngoại thành (Huyện Thủy Nguyên, Huyện Vĩnh Bảo, Huyện Tiên Lãng, Huyện Kiến Thụy, Huyện An Lão, Huyện An Dương) và 2 huyện đảo (Huyện đảo Bạch Long Vĩ, Huyện đảo Cát Hải).
Khí hậu: Nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa châu á, sát biển Đông nên Hải Phòng chịu ảnh hưởng của gió mùa.
Mùa gió bấc (mùa đông) lạnh và khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Gió mùa nồm (mùa hè) mát mẻ, nhiều mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.600 – 1.800 mm. Bão thường xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9.
Thời tiết của Hải Phòng có 2 mùa rõ rệt, mùa đông và mùa hè. Khí hậu tương đối ôn hoà. Do nằm sát biển, về mùa đông, Hải Phòng ấm hơn 10C và về mùa hè mát hơn 10C so với Hà Nội. Nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 20 – 230C, cao nhất có khi tới 400C, thấp nhất ít khi dưới 50C. Độ ẩm trung bình trong năm là 80% đến 85%, cao nhất là 100% vào những tháng 7, tháng 8, tháng 9, thấp nhất là vào tháng 12 và tháng 1. Trong suốt năm có khoảng 1.692,4 giờ nắng. Bức xạ mặt đất trung bình là 117 Kcal cm/phút.
Diện tích: 1.523,4 km²
Dân số: Dân số 2011 là 1.878.500 người. Mật độ 1.233 người/km².
Dân tộc: Việt, Hoa, Hàn, Nhật
Tên gọi
* Tên gọi rút ngắn trong cụm từ Hải tần phòng thủ, của nữ tướng Lê Chân đầu thế kỷ 1.
* Tên gọi rút ngắn từ tên gọi của một cơ quan đời Tự Đức trên đất Hải Dương: Hải Dương thương chính quan phòng
* Tên Hải Phòng có thể bắt nguồn từ ty sở nha Hải phòng sứ hoặc đồn Hải Phòng do Bùi Viện lập từ năm 1870 đời Tự Đức, với căn cứ như sau: “Bến cảng trên sông Cấm trước khi gọi là Hải Phòng đã được gọi là Ninh Hải, địa danh Ninh Hải được dùng chính thức trong giấy tờ, sử sách của ta từ trước khi có tên Hải Phòng cho đến khi bị tên Hải Phòng loại hẳn”.
Lịch sử
Hải Phòng là miền đất cổ với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội lâu đời.
Sự hình thành và phát triển của Hải Phòng gắn liền với các chứng tích của người tiền sử ở di chỉ khảo cổ học Cái Bèo (Cát Bà) thuộc Văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 4000 đến 6000 năm; với sự hình thành của nền văn minh sông Hồng thuộc văn hóa Đông Sơn với các chứng tích của con ngưòi ở di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh (Thuỷ Nguyên), Núi Voi (An Lão) cách ngày nay từ 2000 năm đến hơn 3000 năm; với truyền thuyết về tên tuổi của nữ tướng Lê Chân – người lập Trang An Biên vào đầu Công nguyên – cái nôi hình thành nên đô thị Hải Phòng ngày nay.
Là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của đất nước, Hải Phòng có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã từng chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Hải Phòng là vùng đất in đậm dấu ấn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng: trận Bạch Đằng, 938 của Ngô Quyền, trận Bạch Đằng, 981 của Lê Hoàn, trận Bạch Đằng, 1288 của Trần Hưng Đạo.Thời nhà Mạc, vì đây là quê hương của nhà Mạc nên vùng này được chú ý xây dựng thành kinh đô thứ hai gọi là Dương Kinh.
Năm 1870 – 1873, Bùi Viện, được vua Tự Đức giao phó, đã thực hiện việc xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải và một căn cứ phòng ngự bờ biển ở liền kế bên, gọi là nha Hải Phòng sứ. Khi Pháp đánh chiến Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873-1874, tại cảng Ninh Hải này, nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng này gọi là Hải Dương thương chính quan phòng.
Thành phố Hải Phòng ngày nay được Quốc Hội Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là Quốc Hội Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) Quyết định thành lập vào ngày 27/10/1962, trên cơ sở hợp nhất thành phố Hải Phòng cũ và tỉnh Kiến An.
Hải Phòng là địa phương giàu truyền thống cách mạng.
Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, với tư cách là “Cảng lớn của Bắc kỳ”, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp, Hải Phòng đã trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đấu tranh chống lại sự áp bức dân tộc và giai cấp của thực dân tư bản Pháp. Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiếp nhận và thể nghiệm Chủ nghĩa Mác-Lê nin do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc tryền bá vào trong nước, Hải Phòng có vai trò quan trọng trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1925-1930.
Đầu tháng 4/1929 tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng được thành lập. Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập, là một trong ít những đảng bộ ra đời đầu tiên ở trong nước.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Hải Phòng diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Hải Phòng là một trong những trung tâm của phong trào cách mạng cả nước trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Hải Phòng-Kiến An là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Ngày 12-7-1945, nhân dân Kim Sơn (Kiến Thuỵ) vùng lên lập Uỷ ban giải phóng, kháng Nhật thắng lợi. Tiếng trống Kim Sơn đã mở đầu cho quá trình khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám 1945 ở vùng Duyên hải Bắc bộ. Theo lệnh tổng khởi nghĩa, chỉ trong vòng 10 ngày từ 15 đến 25/8/1945, chính quyền tay sai các cấp của địch ở Hải Phòng, Kiến An đã bị lực lượng cách mạng đập tan, chính quyền cách mạng được thiết lập. Nhân dân Hải Phòng cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do, xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu á.
Sự kiện giải phóng Hải Phòng (13/5/1955)
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Song do dã tâm xâm lược, thực dân Pháp lại gây hấn, tiến hành cuộc chiến tranh mới, quyết tâm tiêu diệt Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu á.
Ngày 20-11-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng-Kiến An đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện ngay trong vùng địch tạm chiếm sâu, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “đường 5 anh dũng”, “đường 10 Quật khởi”, Sở Dầu, Cát Bi rực lửa; góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Tuy nhiên, khác với các địa phương, ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng lại bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới-đó là thời kỳ “300 ngày giải phóng quê hương”.
Trong thời gian này, cuộc đấu tranh với địch trên các mặt trận kinh tế, chính trị diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hải Phòng đã đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ của thực dân Pháp và bọn tay sai, bảo vệ vững chắc thành phố.
Ngày 13/5/1955, bộ đội ta rầm rập tiến vào tiếp quản thành phố. Cả rừng cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Ngày 15/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng xuống tàu tại bến Nghiêng (thuộc quận Đồ Sơn ngày nay) rút khỏi Hải Phòng. Hải Phòng được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Từ ngày 13 tháng 5 năm 1955 lịch sử ấy đến nay, Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng đã liên tục chiến đấu, xây dựng, phát triển, có những đóng góp xứng đáng cùng toàn Đảng, quân và dân cả nước giành những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa thời đại và lịch sử sâu sắc trong thế kỷ thứ XX và trong những năm đầu của thế kỷ thứ XXI.
Leave a Reply