Dulichbui.org – Câu chuyện đi tìm một đại sứ cho du lịch Việt Nam trong năm nay đã phải hoãn đi hoãn lại vì những lý do bất đắc dĩ. Nhiều người cho rằng: Tại sao thay vì xây dựng một chiến lược, một kế hoạch đầy đủ và bài bản cho việc quảng bá du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới thì ngành văn hóa lại tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào câu chuyện đi tìm đại sứ du lịch.
Sau một năm, Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến như thế nào khi có Đại sứ du lịch? Hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi đó khi nhìn vào những con số sụt giảm lượng khách quốc tế trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, việc đó có thể đổ cho sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới và do vậy, du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài sự sụt giảm chung đó.
Ở góc độ khác, nhiều người sẽ cho rằng: 1 năm là quá ít để một đại sứ du lịch làm nên sự đột phá. Hay sự tăng trưởng của một ngành du lịch không thể chỉ trông chờ vào một…đại sứ! Cách lý giải và biện hộ nào cũng có lý cho chức danh đại sứ du lịch. Nhưng, điều mà nhiều người băn khoăn ở đây là liệu có hay không nên có chức danh Đại sứ du lịch khi mà ngành du lịch còn quá nhiều việc phải làm trước mắt.
Với bề dày hơn 50 năm lịch sử, hàng năm thu hút hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng trong nhóm đầu của khu vực ASEAN, nhưng đến nay, ngành du lịch VN vẫn chưa thành lập được một văn phòng đại diện nào ở nước ngoài. Ngay giữa Thủ đô mà mãi tuần trước, một văn phòng hỗ trợ du khách mới được thành lập với diện tích khá khiêm tốn và đơn sơ.
Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các ám ảnh mang tên “chặt chém” đã khiến nhiều du khách trong và ngoài nước hồ nghi về độ an toàn của môi trường du lịch Việt Nam. Mặc dù ngành Du lịch đã ra sức “xin lỗi”, thanh minh và hứa, nhưng lòng tin một khi đã mất đi, khó mà lấy lại được.
Gần đây, dư luận lại xôn xao về việc cậu thanh niên Vũ Xuân Tiến, được mệnh danh là “running man”, được câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới Arsenan mời sang Anh. Vũ Xuân Tiến trong một bài phỏng vấn đã nói rằng: Anh phải đau đầu lắm, mất công lắm mới tìm cho được một món quà mang đặc trưng của Việt Nam để tặng bạn bè quốc tế. Sau câu nói này, nhiều người mới giật mình nhận ra rằng: Hóa ra bấy lâu nay, chúng ta không hề có quà tặng lưu niệm mang biểu trưng của Việt Nam.
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, Cục Hợp tác quốc tế đã tổ chức một cuộc thi thiết kế quà tặng du lịch. Giải thưởng thì đã trao, nhưng đến nay mẫu thì vẫn nằm trên giấy! Kinh hoàng nhất, có lẽ phải kể đến việc các công ty du lịch “đua nhau” bỏ rơi, trốn nợ, xù tiền của khách… khiến lòng tin của du khách gần như cạn kiệt. Đây có lẽ là những lý giải hợp lý nhất cho thống kê, hơn 80% du khách nước ngoài không quay lại VN du lịch lần thứ hai.
Những tưởng sau những biến cố trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những điều chỉnh hợp lý nhằm lấy lại phần nào niềm tin mong manh đã mất, thế nhưng những câu chuyện lùm xùm từ việc chọn đại sứ du lịch 2013 khiến nhiều người tự hỏi: Trong khi chi phí cho xúc tiến du lịch hàng năm so với các nước láng giềng của chúng ta chỉ như muối bỏ bể, thì lại dành một số tiền chi phí cho chức danh đại sứ du lịch?
Cứ cho là đại sứ du lịch cũng là một trong những công tác nhằm quảng bá cho du lịch đi, thì có lẽ công tác này nên xếp ở vị trí sau cùng. Hàng chục nghìn đô la mỗi năm chi ra chỉ để cho việc đi đứng, ăn ở của một vị đại sứ mà hiệu quả của công việc này chỉ có thể “cảm” bằng định tính thay cho định lượng, thì có lẽ nên suy nghĩ lại.
Theo Mai Lan/VOV1
Leave a Reply