Hà Nội – điệu nhạc phố phường

Dulichbui.org – Khi mới đến Hà Nội, tôi không nghe thấy gì hết. Thấy mình như bị đè bẹp bởi tiếng ồn, bởi cái nóng bức oi ả, bởi sự ẩm ướt lạ lùng của mùa hè nơi đây.

Một người mua hàng đồng nát và một người bán than đi trong ngõ An Dương – Tây Hồ

Khi mới đến Hà Nội, ta chỉ mong làm sao thở được. Phố xá hung hăng như muốn nhảy bổ vào mình.

Đi một vòng quanh thành phố thì thấy ở đây ai cũng quen với cảnh ấy rồi. Sự ồn ã lộn xộn dường như chỉ làm phiền có mình tôi.

Đâu đâu cũng thấy xe máy, thứ phương tiện di chuyển chủ yếu của mọi người, mọi vật. Cái gì tiến được là tiến, và báo hiệu cho xung quanh bằng những hồi còi inh ỏi.

Còn gì nữa? Tiếng các công trường xây dựng không ngừng, tiếng chó sủa, chim hót, tiếng cóc kêu trong mùa mưa…

Một cảnh huyên náo vui vẻ có gì đó rất thơ. Nghịch lý.

Khắp nơi trong thành phố đều lộn xộn như nhau. Vỉa hè bị chiếm dụng: xe máy, hàng quán, những quán cà phê cóc, nơi đôi khi chỉ có vài chiếc ghế nhựa bé tí cho ta thấy đã đến lúc nên nghỉ ngơi một chút.

“Cho xin cốc trà đá!”, thứ trà xanh đắng, đặc sản giải khát địa phương. Ngồi xuống và nhâm nhi sự tĩnh lặng diệu kỳ tỏa ra từ chốn như không thể có này. Ngồi xuống chỉ cách mặt đất có 15cm, bên trên là tán cây chằng chịt tơ hồng và các búi dây điện.

Cái thu hút tôi ngay từ đầu chính là âm nhạc. Đâu cũng có, miễn là tự mình biết thế nào là nhạc. Tiếng chuông, tiếng kêu, tiếng rao của những người bán dạo, tiếng loa phóng thanh, tiếng còi xe…

Ngày hai lần, sáng sớm và sẩm tối, công viên đầy tiếng nhạc. Chẳng cần gì nhiều: các bà các cô lắc lư trong âm thanh bão hòa phát ra từ những chiếc loa như muốn nổ lách tách, cố tìm chút hơi mát từ màn đêm đang tàn hay sắp bắt đầu.

Một số người thích sự tĩnh lặng của những bài Thái cực quyền, kiếm tìm đâu đó một nguồn năng lượng không thấy được, không chạm tới được.

Ta đã lại thở được.

Ở Hà Nội, âm thanh không bao giờ ngưng nghỉ. Hết tối đến đêm, chó sủa, người hét, những than vãn chẳng có ai nghe. Xa hơn, tiếng trẻ khóc gào, tiếng mắng, tiếng dỗ, tiếng cãi nhau…

Sáng sớm, đến lượt những người bán dạo.

Từ đường này sang ngõ kia, giai điệu lại thay đổi. Là gì nhỉ? Tiếng rao ngắn, chỉ vài giây. Phụ nữ đội nón, có người oằn vai dưới đôi quang gánh nặng trĩu. Đàn ông đội mũ cối bộ đội.

“Khoai lang nướng đây!”… Anh ta chính là người đã làm tôi nảy ra ý tưởng ghi âm lại tiếng rao của những người bán dạo. Tôi không biết anh bao nhiêu tuổi, từ đâu đến, chỉ biết đã hàng ngàn lần anh rao bán khoai lang nướng và bánh mì, một thứ bánh vô vị, nhạt nhẽo. Tiếng rao vọng khắp mấy ngõ. Qua cửa nhà tôi, anh đi chậm lại, kéo dài cái khoảnh khắc thúc giục, đợi tôi không chịu nổi mà mua cho anh mấy nghìn đồng bánh.

Những người bán dạo… Những hàng đồng nát đủ kiểu nối tiếp nhau… Họ là ai? Giọng họ lúc gần lúc xa.

Tôi quan sát vòng quay ấy, cố tìm hiểu về những người qua lại phố tôi, thường họ đi xe đạp. Họ trao đổi những gì sau những cánh cửa ấy? Họ từ xa đến để làm cái việc ít lời lãi này, từ nông thôn nơi gia đình họ đang đói bụng mong chờ. Họ kiếm được bao nhiêu? Trong ánh mắt họ, không gì khác ngoài sự mệt mỏi từ những hoạt động mãi lặp đi lặp lại. “Đồng nát, sách báo bán đê!”, “Đồng nát, sắt vụn bán đê!”…

Hà Nội tiếp tục sống trong nghịch lý giữa truyền thống và hiện đại. Và ngay cả nếu như hình ảnh những người bán dạo rất đẹp trong mắt du khách hay trong những cuốn phim tài liệu, nó cũng thể hiện sự lạc hậu của một thành phố văn minh. Vẫn còn nhiều người làm nghề xưa cũ ở thủ đô, nhưng những nghề ấy sẽ mai một dần. Và chẳng mấy chốc, còn ai muốn dùng thứ than hình trụ đục lỗ như thế? Ai sẽ còn nấu nướng trước cửa nhà, xung quanh đầy các bà tám chuyện và trẻ con chơi đùa?

Ở đây cũng như ở nơi khác, vỉa hè thông thoáng dần. Những người bán hàng lặt vặt ít việc đi. Thành phố đang trên đà phát triển.

Sẽ chỉ còn lại cái dân gian, đôi quang gánh, chiếc nón, bộ quần áo truyền thống, bà cụ già… nguồn cảm hứng cho những tấm ảnh chụp vội…

Hà Nội, hẹn gặp lại sau vài năm nữa!

Nghệ sĩ đàn viola Aurélie Vinatier làm việc cho Nhà xuất bản âm nhạc Durand Salabert Eschig (thuộc Universal Music tại Paris, Pháp). Bốn năm qua theo chồng sang Hà Nội làm việc, nay chuẩn bị về nước, kỷ vật đặc biệt nhất chị mang theo là những đoạn âm thanh chị ghi lại từ đời sống phố phường Hà Nội, trong đó tiếng rao của những người bán dạo chiếm vị trí trung tâm.

AURÉLIE VINATIER

THU HƯƠNG dịch (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Liên hệ tư vấn, đặt dịch vụ: 0919.362.333

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *