Du lịch bụi Lạng Sơn

Tỉnh Lạng Sơn nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, Phía đông bắc giáp Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc), Phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, Phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, Phía tây giáp tỉnh Bắc Kạn, Phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên.

Mã vùng điện thoại: 025

Biển số xe: 12

Tổ chức hành chính: Tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính gồm một thành phố (thành phố Lạng Sơn) và 10 huyện (Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập).

Khí hậu:

Nền nhiệt không quá cao là nét đặc trưng của khí hậu Lạng Sơn. Mùa đông tương đối dài và khá lạnh, lượng mưa trung bình năm là 1.400 – 1.500 mm, với số ngày mưa là 135 ngày trong năm. Nền địa hình cao trung bình là 251 m, do vậy tuy nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nhưng khí hậu ở Lạng Sơn có nét đặc thù của khí hậu á nhiệt đới. Độ ẩm cao (trên 82%) và phân bố tương đối đều trong năm. Sự phân bố khí hậu này đã cho phép Lạng Sơn có thể phát triển đa dạng phong phú các loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới, và nhiệt đới. Đặc biệt là các loại cây trồng dài ngày như hồi, trám, quýt, hồng, đào, lê, thông, cà phê, chè, và các cây lấy gỗ…

Diện tích: 8.320,8 km²

Dân số: Dân số của tỉnh Lạng Sơn năm 2011 là: 741.200 người. Mật độ: 89 người/km².

Thành phần dân tộc: Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có có 7 dân tộc anh em sinh sống: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông…

Lịch sử

Thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, nước Văn Lang của các Vua Hùng được thành lập – Lạng Sơn trở thành vùng đất của bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn vẫn là châu ki mi, vùng đất gắn bó với vận mệnh của nước Việt. Từ thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X, Lạng Sơn trở thành đơn vị hành chính của nước Đại Cồ Việt, sau đổi tên thành Đại Việt.

Lạng Sơn các thế kỷ đầu độc lập (thế kỷ IX – thế kỷ XIV)

Trong thời gian dài của thời kỳ độc lập, với tên gọi Lạng Châu, rồi Lạng Giang, Lạng Sơn là một vùng đất quan trọng của nước Đại Cồ Việt và Đại Việt, nơi qua lại trao đổi của cư dân, sứ bộ hai nước và của các đoàn quân viễn chinh phương Bắc.

Vào thời Lý (thế kỷ XI), nhà Tống đặc biệt chú trọng đến vùng biên giới, lấy đây là nơi tập kết của lực lượng hậu cần chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược. Nhà Lý lúc bấy giờ đã thấy trước âm mưu xâm lược của triều Tống nên chủ động, kiên quyết chặn đứng âm mưu và hoạt động xâm lược của triều Tống. Lạng Sơn trong kháng chiến chống quân Tống đã có đóng góp to lớn, xứng đáng là mặt trận đánh “sau lưng địch” phối hợp với phòng tuyến Như Nguyệt tiêu hao lực lượng quân Tống.

Trong ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông, có hai lần quân Nguyên – Mông bị tiêu diệt tại Lạng Sơn. Đất Lạng Sơn, vùng biên cương phía Đông Bắc, góp phần quan trọng trong thắng lợi của quân dân Đại Việt chống quân Nguyên – Mông (thế kỷ XIII).

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến này, bản mường các châu của Lạng Giang lại vui tươi. Tuy nhiên, từ năm 1406, khi quân Minh ồ ạt tràn sang xâm lược nước ta, Lạng Sơn lại trở thành chiến trường ác liệt.

Lạng Sơn từ thời Hậu Lê đến đầu Nguyễn (thế kỷ XV – đầu thế kỷ XIX)

Lạng Sơn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Đầu năm 1426, sau khi giải phóng Thanh Hoá, nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, kết hợp với các phong trào yêu nước tại các địa phương thống nhất trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ải Chi Lăng, vốn được xem là cửa ải xung yếu nhất, trong kháng chiến chống quân Tống đời Lý và chống quân Nguyên – Mông đời Trần, quân và dân ta đã lợi dụng vị trí hiểm yếu này chặn đánh và tiêu diệt quân xâm lược, thì nay lại được chọn làm trận địa đánh đòn phủ đầu hết sức bất ngờ vào viện binh Liễu Thăng. Ngày 20-9 năm Đinh Mùi (tức ngày 10-10-1427), Liễu Thăng đích thân dẫn hơn 100 kỵ mã xông lên trước đội quân tiên phong hung hăng mở đường tiến vào Chi Lăng. Khi đi qua cánh đồng lầy lội (tiếng địa phương là Nà Pùng – Nà Lúm), có cầu bắc qua thì cầu bị sập, đội hình của Liễu Thăng bị chia cắt. Đúng lúc đó, phục binh của ta bốn bề nổi dậy, bất ngờ xông lên tiêu diệt địch. Hơn 100 kỵ binh của địch bị tiêu diệt gọn. Liễu Thăng bị trúng lao, chết bên sườn núi Mã Yên (phía Nam ải Chi Lăng).

Chiến thắng Chi Lăng có ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc chiến, góp phần quan trọng kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà ý nghĩa lịch sử của nó đã vượt qua giới hạn không gian và thời gian của nước Đại Việt lúc bấy giờ.

Lạng Sơn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII

Đầu năm 1428, những tên lính Minh cuối cùng rút khỏi đất nước ta, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, nước Đại Việt được khôi phục, đất nước trở lại thanh bình, nhân dân khắp nơi trở về xây dựng quê hương. Cuộc sống của người dân Lạng Sơn tương đối yên bình, đời sống văn hoá, tinh thần của cư dân Lạng Sơn ngày càng được cải thiện, biên cương, quan ải được củng cố, đất đai ruộng đồng được khai phá thêm, nhiều thắng cảnh đẹp ở Lạng Sơn như động Tam Thanh, Nhị Thanh được tôn tạo lại. Bước sang thế kỷ thứ XVI, cùng sự suy vong của nhà Lê Sơ, Lạng Sơn rơi vào tình trạng thường xuyên bị náo động.

Từ năm 1527, nhà Mạc thành lập, Lạng Sơn tạm yên trở lại, nhưng vẫn còn có một số phụ đạo, thổ tù ủng hộ nhà Lê, không theo Mạc. Chiến tranh Nam – Bắc triều bùng lên, Lạng Sơn lại chịu cảnh binh lửa. Từ đó đến năm 1625, giao tranh giữa hai bên Trịnh – Mạc liên tục xảy ra trên đất Lạng Sơn.

Do ảnh hưởng của chiến tranh, nên cuộc sống của nhân dân Lạng Sơn trong thế kỷ XVII – XVIII gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những năm 1670. Ruộng ít, hộ khẩu thưa, mỗi năm chỉ cày cấy được một vụ. Thêm vào đó, những năm hạn hán không cày cấy được, phải ăn rau cỏ, củ nâu mà cũng không đủ no.

Thủ công nghiệp mang tính chất gia đình, thôn bản, lác đác có một số lò rèn, lò đúc chuyên chế tạo lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm hái. Hàng thủ công có tiếng của Lạng Sơn lúc bấy giờ là thổ cẩm, đồ gỗ, tre trúc. Riêng thương nghiệp vùng biên giới phát triển mạnh, thương nhân hai nước lấy các địa điểm ở Lạng Sơn làm nơi trao đổi hàng hoá. Nhiều người Hoa, người Kinh ở đây mở quầy hàng, lập phố chợ, trong đó nổi lên có phố Kỳ Lừa, Đồng Đăng.

Lạng Sơn từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XIX

Từ giữa thế kỷ XIX, tình hình kinh tế – xã hội Lạng Sơn trở nên khó khăn. Tại Trung Quốc, phong trào nông dân bùng lên ở khắp nơi. Một số lực lượng bị quân triều đình nhà Thanh đánh bại đã bỏ chạy sang Lạng Sơn, Cao Bằng quấy phá. Từ năm 1850 đến năm 1854, thổ phỉ nhà Thanh liên tiếp tràn sang cướp phá. Triều đình Nguyễn phải cử thêm nhiều chiến binh đóng giữ. Năm 1854, Lạng Sơn bị bão lụt lớn, mất mùa, nạn đói xảy ra. Triều đình phải vận động các tỉnh láng giềng cứu giúp. Tình hình nói trên kéo dài cho đến khi thực dân Pháp tấn công Bắc Kỳ rồi tiếp đó xâm chiếm toàn bộ nước ta.

Đầu năm 1885, Pháp đưa lực lượng mạnh tiến đánh Lạng Sơn. Đến cuối năm 1885, quân Pháp chiếm được thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn), Đồng Đăng, Thất Khê và một số vị trí chiến lược quan trọng dọc trên đường số 4 đến tận địa giới tỉnh Cao Bằng. Còn đoạn đường (thuộc đường số 4) từ thị xã Lạng Sơn xuôi về tỉnh Quảng Ninh, phải đến tháng 1-1888, quân Pháp mới kiểm soát được.

Quá trình chuyển biến từ phong trào đấu tranh yêu nước sang phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Từ năm 1891, sau khi tiến hành bình định Bắc Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập chính quyền đô hộ ở Lạng Sơn. Cùng với thiết lập, tăng cường củng cố bộ máy cai trị, thực dân Pháp đã thực thi nhiều chính sách phản động về chính trị và kinh tế khiến đời sống của nhân dân rất cực khổ bởi gánh nặng sưu thuế.

Năm 1925, chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng trong cả nước, đồng thời là địa bàn hoạt động thường xuyên của các nhân sĩ “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên”, phong trào đấu tranh yêu nước, cách mạng ở Lạng Sơn cũng sớm được hình thành và phát triển. Năm 1926, hưởng ứng cuộc vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, những nhóm thanh niên yêu nước, có chí hướng cứu nước đã ra đời, tiêu biểu là nhóm thanh niên yêu nước của Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn. Trong số những thanh niên yêu nước nhạy cảm trước sự chuyển biến của cách mạng có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri (lúc bấy giờ đang là học sinh học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn). Các anh được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), thực hiện cuộc vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi, biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn với mục đích tạo địa bàn hoạt động thuận lợi cho Đảng ta, Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập với nhiệm vụ chỉ đạo cách mạng vùng núi biên giới Cao – Bắc – Lạng.

Từ giữa năm 1930, chi bộ đã hướng nhiệm vụ trọng tâm vào việc bắt mối, gây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ phân công gây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn.

Sự ra đời của các chi bộ Đảng đầu tiên và phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1933 – 1940

Thành lập chi bộ Đảng ở Thụy Hùng (Văn Uyên) và phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1933 – 1935

Trước sự tiến triển không ngừng của phong trào cách mạng quần chúng, chi bộ Đảng vùng biên giới đã quyết định thành lập cơ sở Đảng ở Văn Uyên để làm nòng cốt chỉ đạo phong trào trước mắt và lâu dài. Được sự uỷ nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thuỵ Hùng, tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ Đảng do bản thân đồng chí trực tiếp làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Văn Uyên và cũng là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Lạng Sơn sau này. Chi bộ Đảng Thuỵ Hùng ra đời ghi nhận bước trưởng thành của phong trào cách mạng Lạng Sơn sau thời gian ngắn tổ chức và xây dựng (1930 – 1933).

Giữa năm 1934, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo Trung ương Đảng, Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở nòng cốt là Chi bộ Đảng Thuỵ Hùng. Do có sự tổ chức và chỉ đạo tích cực của Ban Cán sự, nên đầu năm 1935, các cơ sở quần chúng cách mạng ở Văn Uyên đã liên hệ mở rộng địa bàn tuyên truyền cách mạng sang Thất Khê (Tràng Định).

Khởi nghĩa Bắc Sơn với sự chuyển biến của phong trào cách mạng trong tỉnh

Ngày 22-9-1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn. Sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy toán loạn qua Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền địch ở những vùng này bị tan rã. Nắm lấy thời cơ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, nhân dân Bắc Sơn đã vùng lên tước vũ khí của tàn binh Pháp, tự vũ trang để đánh Pháp, đuổi Nhật.

Tại Nông Lục (Hưng Vũ), sáng ngày 27-9-1940, một số đồng chí sau khi thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn đã về họp với các Chi bộ Đảng ở Hưng Vũ, Bắc Sơn,… với chủ trương lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay chiều 27-9-1940, nhân dân các xã Bắc Sơn, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Trấn Yên với trang bị súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia làm ba cánh tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Buối tối cùng ngày, cuộc tấn công bắt đầu. Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Quân khởi nghĩa chiếm được châu lỵ Bắc Sơn, chính quyền địch bị tan rã. Do chưa có sự chuẩn bị chu đáo, nên chúng ta chưa thành lập được chính quyền cách mạng và cũng vì quân ta chưa chuẩn bị được lực lượng đối phó nên đã bị quân Pháp đàn áp, chiếm lại châu lỵ, thiết lập chính quyền bù nhìn tay sai. Tuy nhiên, quân địch không thể dập tắt được tinh thần chiến đấu của nhân dân. Phong trào cách mạng và khí thế khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn được duy trì.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (1941 – 1945)

Chuẩn bị lực lượng tiến tới Cách mạng Tháng Tám (từ năm 1941 đến tháng 3-1945)

Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, thực dân Pháp cấu kết với phát xít Nhật tiến hành đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng của nhân dân. Quán triệt đường lối của Đảng và các chính sách của Mặt trận Việt Minh, cùng với các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, phong trào Việt Minh tại Lạng Sơn đã phát triển ở nhiều vùng nông thôn, thị xã và thị trấn. Cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, phong trào Việt Minh đã phát triển ở Bắc Sơn, Tràng Định, Thoát Lãng, Bình Gia.

Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, được sự tăng cường chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng và sự vận động, tổ chức tích cực của cứu quốc quân từ căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, các đội vũ trang tuyên truyền chiến đấu đã lần lượt ra đời ở nhiều địa phương trong tỉnh như Hội Hoan (Thoát Lãng), Thuỵ Hùng (Văn Uyên), Chí Minh (Tràng Định).

Đến đầu năm 1945, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng quần chúng, sự ra đời của các đội vũ trang tuyên truyền, chiến đấu với việc thành lập các căn cứ du kích đã tạo điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lực lượng, khi có thời cơ đến sẽ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Tiến trình giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Từ tháng 4 đến tháng 7-1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng, các Ban Việt Minh ở các châu Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Bằng Mạc, Tràng Định, Thoát Lãng, Điềm He, đã phát động quần chúng cách mạng nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước. Trước tình hình đó, ngày 19-8, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu), dưới sự chỉ đạo của Ban Việt Minh, được sự tăng cường của lực lượng vũ trang chủ lực tỉnh, quần chúng cách mạng đã nhất tề nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ châu lỵ. Ôn Châu hoàn toàn giải phóng.

Cùng ngày, tại Hữu Lũng, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng nổi dậy làm chủ phố Mẹt, châu lỵ Hữu Lũng. Ngày 21-8, tại Thất Khê (Tràng Định), dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nổi dậy tiến công, bao vây, tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, giải phóng hoàn toàn Tràng Định. Ngày 22-8, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng ở Thoát Lãng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn Thoát Lãng. Rạng sáng ngày 25-8, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng các vùng lân cận bằng nhiều hướng đã tiến vào thị xã. Do có sự chuẩn bị trước, ngay từ sáng sớm, nhân dân thị xã đã rầm rộ đổ ra các ngõ phố đón chào quân cách mạng. Vào đến thị xã, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nhanh chóng chiếm các cứ điểm của địch, bao vây dinh tỉnh trưởng bù nhìn, buộc địch phải đầu hàng.

Kháng chiến chống thực dân Pháp

Quân Pháp tiến công lần thứ hai

Cuối năm 1946 thực dân Pháp bắt đầu tiến công Lạng Sơn. Vào hồi 19 giờ ngày 21-11-1946, quân Pháp nổ súng khiêu khích ở khu vực Hang Dê. Do có sự can thiệp tích cực của Uỷ ban bảo vệ tỉnh, nên quân Pháp đã phải tạm ngừng khiêu khích. Trước tình hình đó, các cơ quan của tỉnh đã nhanh chóng rút ra khỏi thị xã, về căn cứ Ba Xã (Điềm He) để tổ chức chỉ đạo kháng chiến lâu dài.

Do cuộc chiến không cân sức, để bảo toàn, giữ gìn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, ngày 21-11, quân ta rút khỏi thị xã với sự tiếp viện, giúp sức của các đội vũ trang ở Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Uyên, lập phòng tuyến trên đường số 1 và số 4. Tình thế này buộc địch phải thả dù tiếp tế cho binh lính đóng trong thị xã.

Sự phối hợp của quân và dân trên mặt trận đường số 4 – Lạng Sơn giải phóng

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1946, Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng, trong đó đề ra đường lối chỉ đạo kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng bước vào những trận chiến đấu mới chống quân thù.

Sau khi đánh chiếm thị xã, quân Pháp tiếp tục tấn công theo đường số 4 về phía Lộc Bình và đường số 1 từ thị xã lên Đồng Đăng để mở rộng phạm vi chiếm đóng. Từ tháng 12-1946, quân địch đã mở nhiều cuộc hành quân tiến đánh các tuyến nội địa trong tỉnh để thực hiện âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh và lực lượng vũ trang, từ đó chiếm đóng hoàn toàn thị xã.

Với mục tiêu tăng cường lực lượng vũ trang chiến đấu, từ giữa năm 1947, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã thành lập các đại đội độc lập chiến đấu. Từ tháng 10-1947, địch huy động lực lượng lớn dọc theo đường số 4 và số 1 tiến công lên Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn – một trong những địa bàn chiến lược quan trọng phục vụ cho âm mưu tấn công Việt Bắc của địch. Đến cuối năm, giặc Pháp đã đánh chiếm Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, lập các đồn bốt đóng quân dọc đường số 4 và nhiều xã biên giới.

Cơ quan lãnh đạo của tỉnh đã rút từ căn cứ Ba Xã (Điềm He) về Kéo Coong (Bình Gia) để kịp thời đối phó với kế hoạch quân sự của địch ngay trên địa bàn Lạng Sơn. Đến cuối năm 1947, các căn cứ du kích của tỉnh bắt đầu được xây dựng ở Chi Lăng (Lộc Bình) và Ba Sơn (Cao Lộc) hình thành vành đai chiến tranh du kích trong khu vực khống chế của địch.

Ngày 30-10-1947, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với quân chủ lực phục kích địch ở Bông Lau, tiêu diệt 94 tên Pháp, phá huỷ và làm hỏng 27 xe quân sự của địch. Chiến thắng Bông Lau đã mở đầu cho hàng loạt những trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trên đường số 4, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân trong tỉnh.

Phát huy tinh thần chiến thắng Bông Lau, từ cuối năm 1947, các lực lượng vũ trang Lạng Sơn đã liên tiếp tiến công địch, giành nhiều thắng lợi lớn ở Đèo Khách, Bản Nằm, Lũng Vài, góp phần tiêu hao sinh lực và chia cắt kế hoạch tiến công lớn của địch. Những chiến thắng của quân và dân Lạng Sơn đã làm thất bại kế hoạch dùng Lạng Sơn làm địa bàn tập trung quân của giặc Pháp, hỗ trợ tích cực cho cuộc chiến đấu quyết liệt của các lực lượng vũ trang ta ở Cao Bằng và các mặt trận khác.

Đầu năm 1948, Pháp cho xây dựng hệ thống đồn bốt dọc đường số 4 từ Đình Lập lên Thất Khê, tăng cường binh lính đóng giữ để đối phó với sự tiến công của quân ta. Giữa năm 1948, phối hợp nhịp nhàng với quân và dân ở vùng tự do, quân và dân ở những vùng tuyến trước dọc đường số 4 Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Uyên, Thoát Lãng, Tràng Định đã thường xuyên tiến công địch. Thực hiện phong trào thi đua “cướp súng giặc giết giặc” do Tỉnh uỷ phát động và khẩu hiệu “làm chủ đường số 4 đi đến cắt đứt đường số 4”, ngày 12-9-1948, quân ta tiêu diệt đồn Nà Cáy mà không tốn một viên đạn.

Cùng với phương án tác chiến binh vận, ngày 16-9-1948, lực lượng du kích của ta đã tiến công đồn Lũng Vài, tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí. Trên đà thắng lợi, quân ta đã liên tiếp tổ chức tập kích các đồn Đồng Đăng, Lũng Phầy,… làm cho địch lâm vào thế bị động đối phó và bắt đầu suy yếu.

Từ đầu năm 1949, các lực lượng vũ trang đã liên tiếp tiến công tiêu diệt địch, giữ vững và mở rộng căn cứ du kích tạo thành vành đai chiến đấu liên hoàn, vững chắc, làm chủ chiến trường, đánh bật địch, giải phóng từng phần. Thắng lợi ở Ba Sơn, Chi Lăng, Đình Lập với hàng loạt chiến thắng ở Đèo Khách, Bó Củng, Lũng Vài, Lũng Phầy đã làm chuyển biến nhanh chóng chiến cục trên mặt trận đường số 4, bước sang giai đoạn tổng phản công, đánh bại hoàn toàn quân địch.

Cùng với việc chỉ đạo gấp rút cho chiến đấu trên mặt trận đường số 4, cuối tháng 1-1950, Tỉnh uỷ đã kịp thời tổ chức các lực lượng vũ trang chặn đánh, đẩy lùi hàng nghìn tên thuộc quân đội của Tưởng Giới Thạch thua trận tràn qua biên giới Lạng Sơn, cướp bóc phá hoại kinh tế của ta. Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch biên giới do đồng chí Võ Nguyên Giáp – Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng kiêm bí thư. Tỉnh uỷ Cao Bằng và Lạng Sơn gấp rút huy động mọi lực lượng, phương tiện phục vụ chiến dịch. Để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cấp bách, Tỉnh uỷ đã phát động phong trào thi đua “tất cả cho chiến trường đánh thắng”.

Ngày 16-9-1950, quân ta tiến công đồn Đông Khê, cứ điểm tập trung quan trọng của địch trên đường 4. Sau 2 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân ta đã giành thắng lợi. Trên đà thắng lợi ở Đông Khê, các lực lượng chủ lực có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương đã liên tiếp tiến công tiêu diệt địch trên toàn tuyến đường số 4.

Từ ngày 3 đến ngày 8-10-1950, quân ta đã đánh tan 2 binh đoàn chủ lực của Pháp, tiêu diệt cánh quân cứu viện của chúng từ Hà Nội lên. Ngày 10-10-1950, địch rút khỏi thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định giải phóng. Ngày 13-10-1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng. Hai huyện Văn Uyên, Thoát Lãng được giải phóng. Ngày 17-10-1950, địch rút khỏi thị xã Lạng Sơn và Lộc Bình, quân ta vào tiếp quản thị xã. Ngày 22-10-1950, địch rút khỏi An Châu (Đình Lập) chấm dứt sự chiếm đóng của thực dân pháp trên đất Lạng Sơn.

Tỉnh Lạng Sơn được giải phóng, kết thúc giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp do Đảng ta lãnh đạo.

Lạng Sơn sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954

Đẩy mạng cải cách dân chủ, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển kinh tế- xã hội (1955 – 1960)

Bước sang năm 1955, tình hình chính trị, kinh tế- xã hội trong tỉnh đặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trước những nhiệm vụ cấp bách mới: đẩy mạnh phong trào lao động và xây dựng nếp sống mới, khắc phục hậu quả của thiên tai do hạn hán kéo dài, nhanh chóng đẩy lùi nạn thiếu đói diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Để nhanh chóng khắc phục nạn thiếu đói, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phát động phong trào “Nhường cơm, xẻ áo”, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống đùm bọc thương yêu nhau. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Lạng Sơn đã phát động giảm tô ở 6 huyện, thị trong tỉnh. Đến giữa năm 1958, tình hình nông thôn ở Lạng Sơn có bước chuyển biến mới, nhất là sau kết quả của cuộc vận động giảm tô, tiến hành sửa sai, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo.

Đến cuối năm 1959, địa phương nào đã phát động giảm tô, tổ chức tổ đổi công thì phong trào sản xuất nơi đó phát triển mạnh. Đến đầu năm 1960, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.221 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút trên 30 nghìn hộ nông dân vào làm ăn tập thể. Ngành văn hoá đã triển khai mạng lưới thông tin tuyên truyền đến hầu hết các cơ sở trong tỉnh. Ngành giáo dục đã xây dựng được hệ thống trường phổ thông đến cấp xã.

8.2. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1961 – 1965)

Từ cuối năm 1961, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các huyện thị đã nỗ lực đầu tư công sức thích đáng cho việc củng cố phong trào hợp tác hoá, làm thuỷ lợi, khai hoang, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy sản xuất phát triển. Sản xuất nông nghiệp phát triển đã đặt ra những yêu cầu mới đối với các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngành cơ khí của tỉnh đã sản xuất hàng vạn công cụ cải tiến phục vụ cho nhu cầu vận chuyển, canh tác. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp tiêu dùng đã cung cấp cho nhu cầu xây dựng cơ sở của hợp tác xã hàng triệu viên gạch, ngói cho sinh hoạt của nhân dân. Ngành thương nghiệp đã mở được hàng trăm cửa hàng tập trung và lưu động ở các xã, đáp ứng nhu cầu mua, bán nông sản, thực phẩm, tiêu dùng. Hoạt động văn hoá – thông tin góp phần khích lệ tinh thần hăng hái và ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong sản xuất và chiến đấu.

Năm 1964, trước những thất bại liên tiếp trong “Chiến tranh đặc biệt” ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Máy bay địch đã liên tiếp xâm phạm không phận Lạng Sơn để trinh sát và khiêu khích. Ngày 20-9-1965, máy bay Mỹ chính thức bắn phá các mục tiêu dọc đường quốc lộ 1A và đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội. Ngày 5-10-1965, máy bay Mỹ lại điên cuồng bắn phá thị xã Lạng Sơn và các mục tiêu xung yếu ở phía Nam của tỉnh. Trong những năm tháng đối đầu với nhiều đợt bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, bằng nhiều hành động thiết thực và lòng dũng cảm cao độ, các đội thanh niên xung phong và quân chủ lực đã góp công sức không nhỏ vào thành tích của quân và dân các dân tộc trong tỉnh.

Vừa củng cố, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, vừa tiến hành chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ (1966 – 1972)

Từ cuối tháng 6-1966, giặc Mỹ đã tiến hành nhiều đợt bắn phá điên cuồng đối với Lạng Sơn. Mục tiêu chủ yếu của chúng là các đoạn đường giao thông quan trọng, bến phà, cầu đường sắt, đường bộ trên địa bàn phía nam tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù phải quan tâm nhiều đến công tác chỉ đạo chiến đấu, sẵn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, song Tỉnh uỷ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, khảo sát để đề ra nhiều biện pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, làm đường giao thông, phủ xanh đồi trọc. Tiếp đó, tỉnh tập trung cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, không ngừng củng cố hợp tác xã nông nghiệp, ra sức mở rộng sản xuất, giải quyết tốt nhu cầu lương thực, đáp ứng nhu cầu đời sống, yêu cầu của chiến đấu. Đến cuối năm 1968, do bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Cùng với quân và dân miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đón nhận thắng lợi to lớn trong niềm hân hoan, phấn khởi vô hạn.

Từ tháng 4-1972, giặc Mỹ huy động lực lượng lớn không quân và hải quân trở lại đánh phá miền Bắc với mức độ ác liệt hơn bao giờ hết. Ngày 11-5-1972, máy bay Mỹ dội bom bắn phá các địa bàn thuộc khu vực phía Nam tỉnh Lạng Sơn. Do thấy rõ vị trí có tầm quan trọng chiến lược của cửa khẩu Lạng Sơn trong việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển hàng hoá, nên Lạng Sơn được giao nhiệm vụ: bố trí, huy động lực lượng chủ yếu để hỗ trợ kịp thời cho yêu cầu ngày càng cấp bách của công tác này. Cùng với quân và dân miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn bình tĩnh, vững vàng, tập trung mọi lực lượng, sẵn sàng vừa chiến đấu, vừa tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của “Cảng nổi” kiên cường, tiếp nhận và vận chuyển kịp thời theo yêu cầu khẩn cấp của cuộc chiến đấu. Trong năm 1972, với phương châm vừa chiến đấu, vừa sản xuất, mặc dù phải chịu nhiều khó khăn do thiên tai và bom đạn địch gây ra, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giải toả hàng hoá, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1973 – 1978

Trong giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn chủ trương đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng – cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng tư tưởng. Đẩy mạnh sản xuất nông – lâm – nghiệp, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển sản xuất công nghiệp địa phương và các ngành kinh tế khác.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập thành tỉnh Cao Lạng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới của Tổ quốc (1979 – 1985)

Bước sang năm 1979, tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới bắt đầu bùng nổ. Ngày 17-2-1979, nhân dân ta đã phải đối phó với cuộc xung đột quy mô lớn diễn ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đến ngày 4-3-1979, một cánh quân đối phương đã tràn vào phía Bắc thị xã Lạng Sơn. Để kịp thời hỗ trợ cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta ở các huyện tuyến trước, Đảng bộ, quân và dân các huyện hậu tuyến là Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng đã huy động hàng trăm chiến sĩ tự vệ chiến đấu, bổ sung tới mặt trận. Từ ngày 5-3-1979, đối phương đã dần rút khỏi toàn tuyến biên giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *